VNPT đã cung cấp dịch vụ IPv6 cho gần 700.000 khách hàng. Ngoài ra, VNPT cũng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng, chuyển đổi mạng lõi với khối lượng thiết bị lớn...
Chiều ngày 6/12 vừa qua, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã có buổi làm việc với VNPT về tình hình triển khai IPv6 trong thời gian qua. Trước đó, Ban công tác cũng đã làm việc với một số ISP khác như FPT Telecom, Viettel.
Đại diện Tập đoàn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty hạ tầng mạng (VNPT Net) kiêm Trưởng ban Công nghệ Mạng Tập đoàn Nguyễn Văn Yên đã báo cáo về những công việc đã thực hiện cũng như kết quả đạt được trong hoạt động triển khai IPv6 tại VNPT. Năm 2017 là một năm VNPT thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn được Bộ TT&TT giao công tác triển khai IPv6 vẫn hết sức được chú trọng. Một khối lượng công việc đáng kể phục vụ cho triển khai IPv6 đã được VNPT hoàn thành. Cụ thể:
- Dựa trên kế hoạch triển khai của cơ quan quản lý, Tập đoàn VNPT đã ban hành Quyết định về nguyên tắc và kế hoạch triển khai IPv6 giai đoạn 2016 - 2020.
- VNPT cũng đã hoàn thành triển khai Dual stack trên các kết nối quốc tế và trong nước, trên mạng backborn; Hoàn thành quảng bá IPv6 route trên các routing quốc tế; Hoàn thành việc phân bổ địa chỉ IPv6 cho các hệ thống truyền tải và cung cấp dịch vụ internet theo mô hình Dual stack; Hoàn thành cấu hình Google, Facebook cache hỗ trợ IPv6…
- Cho đến nay, toàn bộ hạ tầng mạng IP, kết nối trong nước, kết nối quốc tế CDN (Google Cache, Facebook Cache…) đều đã sẵn sàng phục vụ lưu lượng IPv6. Tất cả các kết nối internet trong nước, quốc tế và tất cả các hệ thống CDN đã được kích hoạt IPv6.
- Từ cuối năm 2016 đến nay, VNPT đã cung cấp dịch vụ IPv6 cho các thuê bao FiberVNN và hiện đang có khoảng gần 700.000 khách hàng tại 43 tỉnh thành phố trên cả nước. VNPT hiện cũng đã sẵn sàng hạ tầng cung cấp dịch vụ IPv6 cho các khách hàng sử dụng dịch vụ internet Leasedline và IP transit trên toàn quốc (hiện đã có khoảng 30 khách hàng đang sử dụng phiên bản địa chỉ internet mới này).
- Trong lĩnh vực di động, từ cuối năm 2016 đến nay VNPT đã tiến hành cung cấp thử nghiệm IPv6 cho một số lượng nhỏ khách hàng 4G LTE để đánh giá và đưa ra khuyến nghị với khách hàng về thiết bị đầu cuối. Không giống như nhiều quốc gia khác, việc triển khai dịch vụ IPv6 cho các thuê bao di động tại Việt Nam gặp khó khăn hơn bởi người dùng tự mua thiết bị cầm tay đầu cuối, dẫn đến việc có rất nhiều chủng loại thiết bị, có thiết bị hỗ trợ, thiết bị không. Vì vậy, việc triển khai thử nghiệm cần tiến hành hết sức cẩn trọng, tránh ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ. Dự kiến trong năm 2018 VNPT sẽ cung cấp chính thức IPv6 cho thuê bao 4G LTE.
- Tổng dung lượng kết nối IPv6 quốc tế của VNPT hiện là 1850 Gbps, lưu lượng chạy thực tế hiện đạt khoảng 60 Gbps. Trong nước, VNPT đã hoàn thành triển khai IPv6 trên kết nối peering với VNIX, FPT và Viettel từ tháng 8/2016. Tổng dung lượng kết nối IPv6 trong nước đạt gần 800 Gbps, lưu lượng chạy thực tế vào khoảng 220 Gbps.
- Hiện đã có gần 50 website cung cấp dịch vụ của VNPT sẵn sàng cung cấp dịch vụ IPv6 (ví dụ như: vnptdata.vn, vnpt-ca.vn, his.vnptsoftware.vn…). Nhiều giải pháp phần mềm của VNPT cũng đã hỗ trợ IPv6 (ví dụ như: Megashare, MegaVmeeting, VNPT Cloud, VNPT - BHXH…)
- Cơ sở hạ tầng các trung tâm dữ liệu của VNPT cũng đã hoàn toàn hỗ trợ triển khai IPv6 và hiện đã cung cấp dịch vụ cho nhiều khách hàng ví dụ như Bộ TT&TT, CTCP dữ liệu toàn cầu, Công ty Vega Bạch Minh, Công ty Vinahost, Công ty Giải trí di động - Mecorp, hệ thống dịch vụ IDC MB…
- Ngoài hạ tầng và dịch vụ, các thiết bị viễn thông do VNPT tự sản xuất như modem quang, modem ADSL, Modem wifi… cũng đều tuân thủ theo định hướng hỗ trợ phiên bản địa chỉ IPv6.
Theo kế hoạch đặt ra, năm 2018 VNPT sẽ hoàn thành triển khai IPv6 cho khách hàng băng rộng cố định tại tất cả các tỉnh thành còn lại trên cả nước và triển khai dịch vụ IPv6 cho thuê bao di động 4G.
Đánh giá về hoạt động triển khai IPv6 của VNPT, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng cục Tin học hóa Bộ TT&TT cho biết những kết quả đạt được của VNPT cho thấy bức tranh “sáng sủa” hơn trong việc triển khai IPv6 của các doanh nghiệp. Trong khi Viettel mới chỉ cung cấp thử nghiệm IPv6 cho 150 khách hàng thì con số này của VNPT đã lên tới gần 700.000, và là cung cấp thực tế chứ không còn thử nghiệm. Ngoài ra, VNPT cũng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng, chuyển đổi mạng lõi với khối lượng thiết bị lớn.
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm VNNIC cũng nhận định trong năm 2017 VNPT đã thực hiện đúng như cam kết với Đoàn làm việc và có sự bứt phá mạnh trong việc triển khai IPv6. Ông đánh giá cao sự nỗ lực của Tập đoàn trong việc đồng hành cùng Ban công tác thúc đẩy sự phát triển của IPv6 tại Việt Nam. Ông cũng cho biết Ban công tác sẽ đề xuất với Bộ TT&TT về việc khen thưởng những doanh nghiệp tích cực trong việc triển khai IPv6, trong đó có VNPT.
Trước đó, Báo cáo Tài nguyên Internet Việt Nam 2017 của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết tỷ lệ IPv6 của Việt Nam đã đạt xấp xỉ 10%, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 5 trong khu vực châu Á về mức độ ứng dụng IPv6. VNPT và FPT Telecom là hai doanh nghiệp có sự đóng góp lớn vào sự tăng trưởng này.