Internet vạn vật hay Internet of Things là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Ngày 13/01, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện Ngày Internet of Things (IoT) Việt Nam (Vietnam IoT Day). Đây là sự kiện do FPT cùng Cộng đồng Maker Hà Nội phối hợp tổ chức.
Với chủ đề “Kết nối cộng đồng IoT”, các chuyên gia hàng đầu về IoT đã cùng chia sẻ, thảo luận về những xu hướng mới nhất của hệ sinh thái IoT. Bên cạnh đó, họ cũng chỉ ra những lý do vì sao Việt Nam cần bắt kịp xu hướng Internet vạn vật để hội nhập với thế giới.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 và xu thế kết nối thông minh
Theo các chuyên gia, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra xu thế thông minh hóa trên mọi lĩnh vực. Sự ra đời của các thiết bị IoT đang làm thay đổi cách con người giao tiếp, sống, kinh doanh, làm việc, giải trí và kết nối.
Internet vạn vật giúp ô tô tự kết nối tới bệnh viện khi gặp tai nạn, hỗ trợ cảnh báo để người tài xế lái xe an toàn. Hay như những chiếc áo thông minh có thể báo cho người sử dụng biết họ đang làm việc sai tư thế, từ đó điều chỉnh lại tư thế ngồi để tránh đau lưng.
Các chuyên gia công nghệ hàng đầu chia sẻ về sự cần thiết của Internet of Things với nền kinh tế Việt Nam.
Trong thể thao, những quả bóng tenis thông minh giúp các vận động viên phân tích hành vi nhằm tối ưu động tác. Trong môi trường sản xuất, những thiết bị tự hành đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp dùng để chuyển hàng, bưu kiện trong các nhà máy…
Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tại Việt Nam cũng đã có nhiều ý tưởng và các sản phẩm về IoT được ứng dụng trong đời sống. Nổi bật là các sản phẩm thuộc những lĩnh vực như nông nghiệp thông minh, nhà thông minh, giao thông thông minh, … Kết quả thống kê cho thấy, bước đầu các dự án này đã mang lại một số hiệu quả nhất định.
IoT Việt Nam dưới góc nhìn chuyên gia FPT, Microsoft
Theo chia sẻ của ông Hoàng Minh Chính, chuyên gia điện toán đám mây Microsoft Azure, người có 15 năm kinh nghiệm phát triển phần mềm, tích hợp hệ thống và điện toán đám mây: “Quan điểm của Microsoft cho rằng, IoT không phải một cuộc cách mạng về công nghệ mà là cuộc cách mạng về kinh doanh. Trong quá tình đó, công nghệ đi theo và hỗ trợ.”
Minh chứng cho nhận định của mình, ông Chính viện dẫn những số liệu của IDC để chỉ ra rằng, doanh thu kỳ vọng đến năm 2020 của IoT là 130 tỷ USD. Bên cạnh đó, có tới 80% doanh nghiệp nhận thấy Internet vạn vật là động lực phát triển doanh số.
Theo ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ tập đoàn FPT: “Nói tới IoT là nói tới kết nối tất cả mọi vật. Thế nhưng, ít ai nghĩ đến việc làm cho mọi thứ thông minh hơn để làm gì?”
Các doanh nghiệp Việt Nam cần kết nối với nhau bền chặt hơn để đẩy mạnh cộng đồng IoT Việt Nam cùng nhau phát triển.
“Việt Nam đang ở ngưỡng của bẫy thu nhập trung bình. Chính vì thế, cần tăng năng suất lao động để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tình trạng tốc độ phát triển không theo kịp tốc độ già hóa dân số.”, ông Việt chia sẻ.
Vị Giám đốc Công nghệ của tập đoàn FPT cho rằng, mục tiêu số một của việc ứng dụng IoT là nhằm tăng năng suất lao động. Với mục tiêu đó, Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng IoT. Chính phủ và các doanh nghiệp cần nhìn vào những bài toán hàng ngày đang gặp phải, vạch ra yếu điểm rồi tìm hướng giải quyết.
Việt Nam có đầy đủ các cấu phần để phát triển cộng đồng IoT. Đó là các công ty hỗ trợ, các Co-working, cùng với đó là những hệ thống Fablab… Tuy nhiên các công ty của chúng ta lại chưa biết cách kết nối với nhau chặt chẽ. Do đó, Việt Nam cần có những giải pháp kết nối sức mạnh của các doanh nghiệp IoT, từ đó lan tỏa tầm ảnh hưởng của Internet of Things lên nền kinh tế.